Quá trình thành lập - Cơ cấu tổ chức

01
01
'70

Quá trình thành lập - Cơ cấu tổ chức

- Tên gọi: KHOA SAU ĐẠI HỌC

- Thời gian thành lập: Năm 2008

- Những sự kiện liên quan:

          Tháng 9/2008, Khoa Sau Đại học – Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM được thành lập, thực hiện mục tiêu đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, những chuyên viên tư vấn, tham mưu, nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa - nghệ thuật - thông tin cho các tỉnh thành phía Nam; góp phần tạo dựng mặt bằng văn hóa đồng đều giữa các vùng, miền; rút ngắn khoảng cách chênh lệch về đào tạo cán bộ quản lý văn hóa - nghệ thuật - thông tin của cả nước; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học viên xuất sắc trong học tập, bổ sung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường và các trường văn hóa - nghệ thuật ở địa phương.

          Khoa Sau đại học có nhiệm vụ xây dựng đề án đào tạo, kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo các lớp học sau đại học. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các Khoa chuyên môn có ngành học đăng ký đào tạo trình độ thạc sĩ về chương trình cũng như nội dung đào tạo hướng đến đào tạo những thạc sỹ có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho xã hội.

Từ năm 2008 đến 2011, Khoa tiến hành xây dựng Đề án đào tạo trình độ thạc sỹ ngành Quản lý văn hoá, Văn hoá học và Thông tin Thư viện trình Bộ Giáo dục và đào tạo. Khoa tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cho đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao các ngành về Quản lý văn hóa, Văn hóa học, Khoa học thư viện.

Năm 2011, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, Khoa Sau đại học đã chính thức tổ chức tuyển sinh và đào tạo cao học ngành Quản lý văn hoá. Năm 2013, được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cao học ngành Văn hoá học, Khoa Sau đại học đã tổ chức tuyển sinh khoá đầu tiên. Đến nay, Khoa đã tuyển sinh và đang đào tạo 5 khoá cao học Quản lý văn hoá với 283 học viên, 3 khoá cao học Văn hoá học với 58 học viên.

          Tháng 9 năm 2015, Khoa đã long trọng tổ chức lễ bế giảng và trao bằng thạc sỹ ngành Quản lý văn hoá đầu tiên cho 62 học viên. Đây chính là thành quả của quá trình đào tạo nghiêm túc và chất lượng mà Khoa Sau đại học đã đạt được và sẽ duy trì, phát triển hơn nữa trong tương lai.

- Nhân sự Khoa qua 10 năm:

* Phụ trách khoa qua các thời kỳ:

1. PGS.TS. Đỗ Ngọc Anh (Trưởng Khoa 2008 – 2014)

2. TS. Mai Mỹ Duyên (Phó Trưởng khoa 2008 – 2014)

2. PGS.TS. Lâm Nhân (Trưởng Khoa 2014 – Nay)

* Đội ngũ giảng viên, nhân viên hiện nay:

1. ThS. Lê Anh Tuấn – Giảng viên, phụ trách Cao học Văn hoá học, Khoa học Thư viện

2. ThS. Lê Thế Bắc – Giảng viên, phụ trách Cao học Quản lý văn hoá

- Các chuyên ngành đào tạo:

1. Cao học Quản lý văn hoá

          Đào tạo thạc sỹ ngành quản lý văn hóa nhằm cung cấp nguồn nhân lực quản lý, những chuyên viên tư vấn, tham mưu, nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật cho đất nước, đặc biệt là cho các tỉnh thành phía Nam; có khả năng tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, truyền thông, quảng cáo; phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân xuất sắc trong học tập, bổ sung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường và các trường văn hóa - nghệ thuật ở địa phương.

          Sau khi hoàn thành chương trình cao học, học viên đạt được học vị thạc sỹ có kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý, thích ứng với bối cảnh kinh tế-xã hội của địa phương và bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa. Cụ thể:        

  • Làm việc trong hệ thống ngành văn hóa, nghệ thuật, truyền thông, quảng cáo, du lịch với các cương vị khác nhau.
  • Có thể giảng dạy về quản lý văn hóa, nghệ thuật tại các trường đại học, cao đẳng, các trường nghiệp vụ về văn hóa - thông tin, chính trị - hành chính, và của các tổ chức xã hội.
  •  Tư vấn về tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thông tin cho các đơn vị nhà nước và những tổ chức kinh tế - xã hội.
  • Có thể tiếp tục học tập để nhận học vị tiến sĩ quản lý văn hóa; Có thể học liên thông tiến sĩ các ngành gần.

2. Cao học Văn hoá học

  • Đào tạo thạc sỹ Văn hóa học có kiến thức và tư duy lý luận về văn hóa học và văn hóa Việt Nam; có hệ thống lý thuyết, phương pháp và kỹ năng nghiên cứu văn hóa; có năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; ứng dụng được kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào việc nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa - nghệ thuật; có khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết các vấn đề về văn hóa học và văn hóa Việt Nam trong hoạt động thực tiễn.

Học viên có kỹ năng nhận thức và thực hành thích ứng với bối cảnh kinh tế-xã hội của địa phương và bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa của đất nước. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể:

          - Làm việc trong ngành văn hóa - nghệ thuật, truyền thông, du lịch, chính trị - xã hội và những đơn vị ngoài nhà nước với các cương vị khác nhau; 

          - Quản lý nghiệp vụ tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa - du lịch và hoạt động hữu hiệu trong những ngành nghề đòi hỏi các tri thức về văn hóa học (truyền thông, ngoại giao, hướng dẫn du lịch...)

          - Giảng dạy bộ môn văn hóa học, văn hóa dân gian ở các trường đại học, cao đẳng trung cấp chuyên ngành hoặc các trường thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn;

          - Chuyên gia tư vấn, tham mưu về tổ chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thông tin cho các đơn vị nhà nước và những tổ chức kinh tế - xã hội.

- Có thể tiếp tục học tập để nhận học vị tiến sĩ văn hóa học; Có thể học liên thông tiến sĩ các ngành gần.

3. Cao học Khoa học Thư viện

Đào tạo thạc sĩ ngành Thông tin – Thư viện là đào tạo cán bộ thông tin – thư viện trình độ thạc sĩ có kiến thức chuyên sâu và năng lực nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ngành thông tin – thư viện, có tầm nhìn chiến lược và thái độ phù hợp trong việc phát triển sự nghiệp thông tin – thư viện vì lợi ích của xã hội.

Học viên làm chủ kiến thức chuyên ngành khoa học thông tin – thư viện, có thể đảm nhiệm công việc của chuyên gia trong lĩnh vực được đào tạo; có tư duy phản biện; có kiến thức lý thuyết chuyên sâu để có thể phát triển kiến thức mới và tiếp tục nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ; có kiến thức tổng hợp về khoa học xã hội và nhân văn, pháp luật và quản lý liên quan đến lĩnh vực thông tin – thư viện. Sau khi tốt nghiệp học viên có thể:

          - Có kỹ năng hoàn thành công việc có tính phức tạp, có kỹ năng nghiên cứu độc lập để  nghiên cứu, phát triển các quan điểm, luận thuyết khoa học, hình thành các ý tưởng, phát hiện và thử nghiệm kiến thức mới về ngành khoa học thông tin – thư viện.

- Nắm vững các phương pháp giảng dạy ngành thông tin – thư viện, có khả năng biên soạn chương trình, đề cương, bài giảng, giáo trình, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên đại học và các bậc học thấp hơn.

- Có tầm nhìn chiến lược và phương pháp quản lý, có khả năng hoạch định chính sách, tư vấn, xây dựng và quản lý dự án, có khả năng lập kế hoạch, tổ chức, điều hành, đánh giá nguồn lực và hoạt động truyền thông vận động trong lĩnh vực thông tin – thư viện.

- Có kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh nhất định ở mức có thể hiểu cơ bản một báo cáo hay bài phát biểu, diễn đạt cơ bản trong các tình huống chuyên môn thông thường, viết tóm tắt những nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực thông tin – thư viện.

- Có thể tiếp tục học tập để nhận học vị tiến sĩ Khoa học Thư viện

          Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:   

- Cán bộ quản lý ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ngành Thông tin – Truyền thông; ngành Giáo dục và Đào tạo; ngành Khoa học và Công nghệ.

- Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo và cơ quan thông tin – thư viện.

- Giảng viên ngành thông tin – thư viện trong các cơ sở đào tạo cán bộ thông tin – thư viện.

- Cán bộ quản lý trong các trung tâm thông tin, các thư viện hoặc các cơ quan lưu trữ.

- Cán bộ tư liệu, cán bộ thông tin trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh.

- Các hoạt động liên quan:

1. Giảng dạy

Với mục tiêu đào tạo những thạc sỹ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng cao, Khoa Sau đại học đã chú trọng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu cấp bách của xã hội. Bên cạnh đó, Khoa Sau đại học còn tăng cường mời những chuyên gia, những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật giảng dạy để giúp học viên có điều kiện tiếp cận và cập nhật những kiến thức mới phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam và hội nhập quốc tế.

2. Nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động quan trọng trong đào tạo sau đại học. Khoa Sau đại học luôn khuyến khích các học viên tích cực nghiên cứu khoa học, viết bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Bên cạnh đó, Khoa còn tổ chức cho học viên tham gia các hội thảo khoa học, các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp đào tạo nghiệp vụ văn hoá ngắn hạn, đi nghiên cứu thực tế đời sống văn hoá xã hội ở các vùng văn hoá trên đất nước Việt Nam và mở rộng ra các nước khác để giúp học viên có những kiến thức thực tế hữu ích khi thực hiện luận văn tốt nghiệp một cách hiệu quả và có giá trị khoa học cao.

 

                                                                  

 

Từ khóa: